Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản ứng phó với dịch COVID-19

Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản ứng phó với dịch COVID-19

09/04/2022 | 11:35:37
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, trong khi đó, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều trở ngại. Vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản trước thách thức của đại dịch cần các giải pháp nào để hạn chế các rủi ro, thiệt hại?

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, trong khi đó, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều trở ngại. Vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản trước thách thức của đại dịch cần các giải pháp nào để hạn chế các rủi ro, thiệt hại?

Tuy giá có giảm nhưng các mặt hàng rau, củ, quả ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) vẫn đang tiêu thụ tốt.

Tuy giá có giảm nhưng các mặt hàng rau, củ, quả ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) vẫn đang tiêu thụ tốt.

    Xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) - địa phương có truyền thống thâm canh rau màu, với quy mô sản xuất lên tới hàng chục héc ta. Bình quân mỗi ngày nông dân ở đây đưa ra thị trường khoảng 10 tấn nông sản các loại. Các sản phẩm chủ lực bao gồm: mướp Nhật, bí xanh, dưa chuột, cải bó xôi, mướp đắng, bí đỏ, mồng tơi, cải ngồng, rau ngót, cải các loại, rau thơm, hành... Các cây trồng ở đây hầu hết được bà con sản xuất theo hướng an toàn nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng, việc tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi, rau, củ quả bán ra giảm cả về số lượng lẫn giá cả.

    Bà Phạm Thị Quế, nông dân xóm 13 cho biết: Nhà tôi trồng 2 sào gồm mướp đắng, lặc lày, dưa chuột. Vụ này thời tiết thuận, năng suất tốt nhưng giá hiện tại rẻ quá. Trước là 10-12 nghìn đồng/1kg, giờ chỉ còn 3 nghìn đồng/1kg. Với giá này, nông dân chúng tôi hầu như không có lãi.

Còn ông Đỗ Văn Trường, xóm 10 cũng cho hay: Năm nay, tôi đầu tư trồng 3 sào mướp hương, đây là loại cây khó trồng, nhiều sâu bệnh nên công chăm sóc, chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV rất cao. Với sự đầu tư như vậy thì gia đình sẽ có khoản lời kha khá, ai ngờ, mướp thu hoạch đúng đợt dịch COVID -19 bùng phát trở lại, giá giảm chỉ còn 2 nghìn đồng/1kg. "Chăm bẵm vất vả mà không có lãi, tôi hơi buồn nhưng trong bối cảnh chung như vậy biết làm sao được, cũng đành cố gắng thôi" - ông Trường ngậm ngùi.

     Làm đầu mối đứng ra tiêu thụ nông sản cho bà con đã gần 5 năm nay, chị Phạm Thị Vui (xóm 13, xã Khánh Thành) cho biết: "Thị trường Hà Nội thời điểm này đã dừng hẳn không nhận hàng, giờ chỉ còn xuất đi Thanh Hóa, Nam Định. Giá nông sản xuống quá thấp nên hiện nay tôi cũng chỉ đứng ra tiêu thụ giúp bà con chứ không lấy lãi. Chỉ lo với mức giá như thế này, nông dân chán nản, chểnh mảng sản xuất".

    Tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, hiện nay nông dân cũng đang vào vụ thu hoạch rộ dưa lê, dưa hấu. Mặc dù giá dưa hiện nay vẫn đang ở mức tốt nhưng nông dân vẫn khá lo lắng. Anh Trần Văn Thụ, cán bộ phụ trách sản xuất của Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Tân Hưng cho biết: Vụ này, đơn vị đưa vào sản xuất 30 ha dưa, cao điểm có ngày thu hoạch tới 20-30 tấn quả, giá bán tại ruộng hiện nay vào khoảng 6,5-7 nghìn đồng/1kg dưa hấu và 20 nghìn/1kg dưa lê, tuy nhiên việc tiêu thụ khá chậm. Tôi lo lắng, vài hôm nữa, vào chính vụ, dưa ở các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Nam Định tràn sang sẽ kéo giá giảm xuống. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay thì không nói trước được điều gì.

     Không chỉ có các sản phẩm rau, củ, quả gặp khó trong khâu tiêu thụ, theo tìm hiểu của phóng viên, người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi gia cầm cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi gần đây tăng mạnh trong khi đó lượng tiêu thụ giảm, giá giảm. Hiện giá gà thả vườn chỉ dao động trong khoảng 50-65 nghìn đồng/kg, trứng gà 1.000-1.200 đồng/quả, giảm 10-20% về giá so với tháng 4/2021. 

     Về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại cho biết: Thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ đóng cửa, các bếp ăn tập thể ngưng, giảm công suất. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã, đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao; cùng với đó là hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm... Điều này tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định: Thời gian qua, chỉ có một vài nông sản ở một số địa phương bị ùn ứ cục bộ như bí xanh ở Nho Quan hoặc là cà chua ở Yên Mô, Yên Khánh cách đây 2 tháng. Còn hiện tại, hầu hết các nông sản của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiêu thụ được. Nguyên nhân là do chúng ta không có những vùng sản xuất chuyên canh lớn, tập trung vào 1 loại sản phẩm thu hoạch trong một thời gian nhất định. Nông sản của Ninh Bình đa dạng nhưng sản lượng không lớn và chủ yếu vẫn là nội tiêu nên ít bị tác động.

    Đặc biệt, lường trước những khó khăn về tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp, trực tiếp là Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất để nông dân áp dụng, tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng. Đồng thời, thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp, HTX, người nông dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường; lựa chọn các nông sản thế mạnh của địa phương và thực hiện trồng rải vụ với đa dạng các loại cây trồng, nhờ vậy đã tránh được việc thu hoạch đồng loạt, giảm áp lực trong khâu tiêu thụ.

     Về lâu dài, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, Trung tâm sẽ tiếp tục mời gọi, kết nối các doanh nghiệp về ký kết hợp đồng, tiêu thụ nông sản với nông dân, HTX.  Tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các nông sản đặc trưng của tỉnh, từ đó tăng uy tín, sức cạnh tranh của nông sản Ninh Bình trên thị trường. Đưa nông sản của tỉnh vào các siêu thị, trung tâm nông sản, các hệ thống cửa hàng nông sản cao cấp. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống "Chợ thương mại điện tử", trên các kênh phân phối hiện đại.

 

Các tin khác

Hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số: 16036 theo quyết định số: 61711/QĐ-SHTT của Cục sở hữu trí tuệ, ngày 30.09.2016.

Thực hiện nhiệm vụ “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc. Theo kế hoạch số 99 / KH - MTTW - BCĐTWCVĐ của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bản quyền thuộc về Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điện thoại: +84.2435406169 - Hotline: 0395719999 - 0963056116

Email: info@check.net.vn

Vận hành bởi Công ty cổ phần khoa học công nghệ Bảo Tín