Nông sản đặc sản của Ninh Bình đang từng bước tiếp cận và khẳng định thương hiệu ở các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội. Đây là bước tiến quan trọng trong phát triển sản xuất hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng gần 10 vạn tấn gạo, trên 18 nghìn tấn thịt lợn hơi, 5 nghìn tấn thịt bò, 6 nghìn tấn thịt gà, 5 nghìn tấn thủy, hải sản và hàng chục vạn tấn rau củ quả, trái cây các loại. Trong các tháng lễ, Tết, con số này tăng từ 15 - 20%. Nhu cầu thị trường rất lớn, tuy nhiên khả năng đáp ứng các mặt hàng nông sản của Hà Nội ở hầu hết các ngành hàng lại khá thấp, chỉ khoảng 15-60% tùy loại. Rõ ràng, Hà Nội sẽ là thị trường tiềm năng với nông sản Ninh Bình bởi chúng ta chỉ cách Hà Nội chưa đầy 100 km và hệ thống giao thông kết nối thì rất thuận tiện. Tuy nhiên, người tiêu dùng Thủ đô cũng không hề "dễ tính" mà đặt cao tính an toàn, sản phẩm sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bà Trương Thị Hoài, chủ một gian hàng phân phối các nông sản vùng miền tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết: do những lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng mà các nông sản của Ninh Bình có chất lượng rất tốt. Từ mật ong ở vùng núi Cúc Phương đến gạo hay mắm chắt ở miền biển Kim Sơn đều được người tiêu dùng Thủ đô đặc biệt ưa thích. Tuy nhiên điểm yếu của nông sản Ninh Bình là khâu đóng gói, sơ chế, bảo quản còn sơ sài; thiếu mạng lưới liên kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, đặc biệt việc quảng bá còn hạn chế nên chưa được nhiều người biết đến.
Thực tế, những năm gần đây, tỉnh ta đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung có quy mô phù hợp gắn với bảo quản, chế biến, phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất rau màu, mở rộng diện tích rau an toàn. Hiện nay, Ninh Bình có hàng vạn ha lúa chất lượng cao, 13 nghìn ha rau các loại, 7 nghìn ha cây ăn quả. Chúng ta đã có những sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, một số đã có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Nổi bật như: cơm cháy, thịt dê, dược liệu, lúa gạo, dứa, chè, bánh đa, miến dong, bún khô và rau, củ, quả an toàn... Tiềm năng là vậy nhưng lâu nay phần lớn nông sản của chúng ta vẫn tiêu thụ một cách tự do, thiếu bài bản, việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm vẫn còn là khâu yếu, không ít người tiêu dùng chưa hề biết đến những nông sản đặc trưng của Ninh Bình.
Từng bước khắc phục vấn đề này, mới đây, vào đầu tháng 10, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp&PTNT tổ chức Hội chợ Quảng bá, tiêu thụ nông đặc sản vùng miền và sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với Tuần lễ Nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội năm 2020. Ninh Bình mang đến Hội chợ toàn bộ các sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao như: cơm cháy Linh Phương, rượu Nga Hải, cói mỹ nghệ, gốm Bồ Bát, thêu ren Minh Trang, rau Khánh Thành, trà hoa vàng, tinh bột nghệ vàng. Ngoài ra, còn có một số nông sản uy tín được kiểm soát an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ như: bưởi da xanh Tam Điệp, gạo nếp cái hoa vàng Khánh Trung, đông trùng hạ thảo của Công ty CP dược liệu Starviet…
Tiến sỹ Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cho biết: Hội chợ lần này là cơ hội để Vũ Gia giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe từ Việt Nam được sản xuất, và chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó có trà hoa vàng -một dược liệu quý hiếm ở rừng quốc gia Cúc Phương, sản phẩm này có công dụng giúp điều trị mỡ máu, chữa ung thư, ổn định huyết áp, điều trị tiểu đường, chống oxi hóa và chống lão hóa hiệu quả. Ngoài ra, phải kể đến một số sản phẩm mới như: cao đinh lăng dạng bột, hồng trà, trà hoa vàng mạn hảo dạng bánh, trà xanh hữu cơ, trà hoa hòe. Kỳ vọng sẽ có nhiều đối tác và người tiều dùng biết đến.
Đến tham quan mua sắm tại Hội chợ, bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: "Tôi đã nghe danh và thưởng thức thịt dê, cơm cháy ở Ninh Bình nhưng để tìm mua được các sản phẩm uy tín, chất lượng ngay tại Hà Nội thì rất khó. Qua thông tin trên truyền hình được biết có chợ nông sản của Ninh Bình tổ chức tại đây nên tôi đến mua sắm và thấy rằng ngoài thịt dê Ninh Bình còn có nhiều nông sản khá ấn tượng, nhất là dược liệu, nấm...".
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp&PTNT, với Tuần lễ Nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội năm 2020, khách hàng Thủ đô đã có dịp tham quan, dùng thử sản phẩm. Nhìn chung, người tiêu dùng đã có những phản hồi khá tích cực về các sản phẩm nông sản sạch của Ninh Bình. Một số sản phẩm đã bán được với số lượng lớn như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, HTX sinh dược; rau xanh, hoa quả… Đặc biệt, bước đầu đã hình thành một số thỏa thuận bán buôn, cung cấp sản phẩm.
Đây là lần thứ 4 trong năm nay, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội, đưa hàng hóa đặc sản của tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng thủ đô một cách bài bản, có hệ thống. Những chương trình này bước đầu mang lại hiệu quả, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của