1. Đất trồng
Na là cây trồng không kén đất, chịu hạn tốt, kém chịu úng, có thể trồng nhiều loại đất, thích hợp với đất đồi, độ PH từ 5,5 – 7,4.
2. Thời vụ
- Tốt nhất là trồng vào vụ Xuân: tháng 2 – 3, trước khi cây nảy lộc.
3. Cây giống
Cây giống được ươm trong bầu, trồng khi cây được 3 – 12 tháng tuổi. Hoặc có thể trồng cây giống 2 năm tuổi để rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản.
4. Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng phải được cày bừa kỹ, sau đó đào hố với kích thước: 0,5 x 0,5 x 0,5 m, khoảng cách hố x hố là 3m x 3m tương đương với mật độ là 1100 cây/ha. Sau đó bón 15kg phân hữu cơ vi sinh và 0,4 kg supe lân/hố rồi đổ đầy đất rồi đảo đều phân và đất, dậm chặt để chờ trồng.
5. Cách trồng
- Xé nilon, đặt bầu vào giữa hố cao hơn mặt hố 3- 5cm, lấp đất, giậm chặt, tưới nước đẫm.
- Mỗi cây dùng 1 que cắm để giữ cho cây không bị gió lay.
6. Bón phân và chăm sóc
Có thể chia các thời kỳ sinh trưởng của cây na làm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn cây con: từ lúc trồng – 1 năm tuổi
- Giai đoạn kiến thiết cơ bản: 1 – 3 năm tuổi
- Giai đoạn kinh doanh > 3 năm tuổi
6.1 Phân bón và cách bón
- Giai đoạn trồng – 1 năm sau trồng:
+ Lượng phân/cây/năm: Phân hữu cơ vi sinh: 15 kg + 0,7kg đạm + 0,4kg lân + 0,3 kg Kali.
+ Bón lót: 100% phân hữu cơ vi sinh + 100% lân
+ Bón đợt 2: từ tháng 5 – 6: 50% ure + 50% Kali
+ Bón đợt 3: từ tháng 9 – 10: 50% ure + 50% Kali
- Giai đoạn sau 1 năm trồng – cây được 3 năm tuổi:
+ Lượng phân/cây/năm: Phân hữu cơ vi sinh: 15 kg + 0,7kg đạm + 0,4kg lân + 0,3 kg Kali.
+ Bón đợt 1 (đón lộc): từ tháng 2 – 3: 50% ure + 30% Kali
+ Bón đợt 2 (nuôi cành): từ tháng 5 – 6: 50% ure + 40% Kali
+ Bón đợt 3: từ tháng 9 – 11: 100% phân hữu cơ vi sinh + 100 % lân + 30% Kali.
- Giai đoạn > 3 năm tuổi:
+ Lượng phân/cây/năm: Phân hữu cơ vi sinh: 20- 25 kg + 1 – 1,5kg đạm + 0,5 – 0,8kg lân + 0,5 – 0,7 kg Kali.
+ Bón đợt 1 (đón lộc, đón hoa): từ tháng 2 – 3: 50% ure + 30% Kali
+ Bón đợt 2 (nuôi cành, nuôi quả): từ tháng 5 – 6: 50% ure + 40% Kali
+ Bón đợt 3 (phục hồi cây qua đông): từ tháng 9 – 11: 100% phân hữu cơ vi sinh + 100 % lân + 30% Kali
- Cách bón: Cuốc rãnh xung quanh tán, bón thúc cuốc nông 10 cm, bón lót cuốc sâu 20 cm, bón xong lấp đất.
- Ngoài ra, ở thời điểm tháng 2 – 3 khi cây ra lộc, ra hoa và tháng 5 – 6 khi cây nuôi cành, nuôi quả cần bổ sung thêm phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách tốt nhất. Phân bón lá thường dùng như: phân bón lá HLC 16, phân bón lá Rapid hydro…
6.2 Tưới nước
- Trong 10 ngày đầu sau trồng, tưới cách nhật nếu không có mưa, sau đó 5 – 7 ngày tưới 1 lần đến khi được 1 tháng sau trồng.
- Cây na cần nhiều nước, đặc biệt là giai đoạn ra hoa kết quả, độ ẩm đất thích hợp từ 70 – 80%. Có thể tưới tưới rãnh, tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt.
6.3 Làm cỏ, xới xáo
- Làm cỏ xới xáo 3 lần vào các tháng: tháng 2 – 3, tháng 7 – 8, tháng 11 – 12.
- Vườn na cần làm sạch cỏ để tránh phát sinh sâu bệnh hại.
6.4 Các biện pháp khác
- Trong thời kì kinh doanh, có thể tác động các biện pháp như: đốn, tỉa cành, tuốt lá, thụ phấn bổ sung để tác động đến sự ra hoa đậu quả của na giúp tăng năng suất, phẩm chất và giá trị của quả na.
7. Phòng trừ sâu hại
- Một số loại sâu bệnh chính hại na như: sâu hại hoa, rệp sáp, sâu đục quả, nhện đỏ, bệnh thán thư, bệnh thối rễ.
- Thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
8. Thu hoạch
- Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng từ 110 – 120 ngày. Quả na khi vừa mở mắt, vỏ chuyển màu vàng xanh là quả thu hoạch được. Thu hoạch lúc trời mát, quả na khô ráo, tránh trời nắng gắt, tránh sau cơn mưa hoặc nhiều sương. Thu hoạch cần nhẹ tay tránh làm dập na.