Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

09/04/2022 | 11:50:59

Phát triển công nghiệp chế biến được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên hiện nay việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về số lượng, chất lượng, trình độ công nghệ cũng như khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Chế biến dứa tại Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh.

Công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu

Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp đã có bước tiến rõ rệt với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Các mặt hàng nông sản được đưa ra thị trường cũng dồi dào và đa dạng hơn, theo đó, ngành công nghiệp chế biến nông sản được chú ý phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Nhiều sản phẩm, ngành hàng đã hội nhập tốt với kinh tế thế giới như: Gạo, nước quả cô đặc, pure nguyên chất, rau, củ, quả đóng hộp, sấy; rau, củ, quả đông lạnh IQF...

Hiện nay các sản phẩm chủ yếu đang xuất khẩu sang thị trường các nước như: Nga, Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, châu Phi và một phần tiêu thụ nội địa như ngô ngọt đóng hộp, nước quả. Ngoài các doanh nghiệp chế biến nông sản, trên địa bàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơm cháy với quy mô vừa và nhỏ; hơn 40 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt (giò, chả, nem,...); hơn 30 cơ sở nhỏ lẻ sản xuất nước mắm và sản phẩm dạng mắm, chủ yếu là sơ chế phục vụ tiêu dùng nội địa.

Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT hiện công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và chưa thực sự phát triển. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở và công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cao điểm của mùa vụ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản chưa có doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu.

Lĩnh vực trồng trọt mới chỉ có Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh đang thực hiện quy trình chế biến sâu, chế biến tinh, còn chủ yếu dừng lại ở sơ chế. Sản lượng nông sản được thu mua, chế biến chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 5-10% tổng sản lượng nông sản của tỉnh.

Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về năng lực sản xuất như: vốn, công nghệ và thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý... Do vậy gặp khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại từ các nước trong khu vực và thế giới. Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh (cụm công nghiệp Khánh Nhạc) là một trong số ít doanh nghiệp chế biến nông sản của tỉnh ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài với thị trường chính là Nga.

Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh cho biết: Cái khó nhất của các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung và Công ty chúng tôi nói riêng là thiếu vốn. Doanh nghiệp không đủ tiềm lực để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại đồng bộ, vấn đề mở rộng sản xuất vì thế cũng gặp khó khăn. Mặc dù Chính phủ và tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng và tín dụng ưu đãi liên quan đến công nghiệp chế biến nhưng đến nay các doanh nghiệp rất khó tiếp cận do còn nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay.

Cùng với khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất và chế biến của tỉnh. Bởi vì công nghiệp chế biến nông sản đầu tư quy mô lớn cần có vùng nguyên liệu sản xuất đồng bộ, ổn định.

Trong khi hầu hết các vùng sản xuất của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp về đầu tư. Ngoài ra, sự đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã, số lượng và thời hạn giao hàng nghiêm ngặt cũng là những khó khăn đối với các doanh nghiệp Ninh Bình.

Xu hướng phát triển chế biến sâu

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu cũng như tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thuận lợi hơn. Xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ được gia tăng nhờ phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan.

Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: Để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến, tôi nghĩ không gì tốt bằng đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Đây được xác định là xu hướng phát triển trong thời gian tới và mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp" diễn ra trong tháng 2/2020, các bộ, ngành trung ương đã xác định chế biến sâu sẽ giúp ngành chế biến nông sản ngày càng phát triển, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, giá trị gia tăng của hàng hóa được nâng cao.

Đồng thời, các bộ, ngành cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu công nghiệp chế biến Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên, trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh phát triển kịp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần đạt được mục tiêu chung của cả nước, cùng với sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc đổi mới, cấu trúc lại sản xuất, Ninh Bình sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đủ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút hoạt động công nghiệp chế biến như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn thương mại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; hỗ trợ trong bảo quản nông sản...

Phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là tập trung vào một số sản phẩm đột phá của tỉnh như: Sản xuất chế biến các sản phẩm từ rau, củ, quả, ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc...

Cùng với đó, tạo điều kiện, thu hút đầu tư mới cơ sở chế biến đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển chế biến sâu theo quy trình khép kín từ sản xuất ban đầu đến chế biến sản phẩm tinh để nâng cao giá trị, quản lý tốt chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm

Các tin khác

Hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số: 16036 theo quyết định số: 61711/QĐ-SHTT của Cục sở hữu trí tuệ, ngày 30.09.2016.

Thực hiện nhiệm vụ “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc. Theo kế hoạch số 99 / KH - MTTW - BCĐTWCVĐ của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bản quyền thuộc về Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điện thoại: +84.2435406169 - Hotline: 0395719999 - 0963056116

Email: info@check.net.vn

Vận hành bởi Công ty cổ phần khoa học công nghệ Bảo Tín